Các tổ chức, doanh nghiệp khai thuế, tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ sẽ sử dụng hình thức hóa đơn giá trị gia tăng. Thời điểm xuất hóa đơn GTGT sẽ được căn cứ theo từng hoạt động cụ thể. Bên cạnh việc tìm hiểu về cách sử dụng hóa đơn điện tử thế nào, kế toán thường hay thắc mắc về thời điểm cũng như cách xuất hóa đơn GTGT trong công trình xây dựng. Bài viết sau đây xin hướng dẫn cách viết hóa đơn xây dựng cùng thời điểm xuất hóa đơn GTGT trong công trình xây dựng.
Về thời điểm xuất hóa đơn trong xây dựng dựa theo khoản 2 Điều 16 Thông tư 39/2014/TT-BTC: Ngày lập hóa đơn đối với xây dựng, lắp đặt là thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành mà không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu tiền.
Nếu giao hàng nhiều lần hoặc phải bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ thì mỗi lần giao hàng, bàn giao đều phải lập hóa đơn GTGT tương ứng với khối lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ được giao từng lần đó.
Trường hợp DN kinh doanh bất động sản, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà để bán, chuyển nhượng có thực hiện thu tiền theo tiến độ của dự án hoặc tiến độ thu tiền ghi trong hợp đồng thì ngày lập hóa đơn sẽ là ngày thu tiền.
Như vậy, khi có biên bản nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục hoặc từng hạng mục thì kế toán phải lập hóa đơn. Đối với các khoản tạm ứng trước thì chưa phải lập hóa đơn.
Khi doanh nghiệp có nhận một khoản tiền đặt cọc của khách hàng trước khi ký hợp đồng với lý do đảm bảo việc giữ chỗ mua căn hộ được hình thành trong tương lai (gồm cả khách hàng tiếp tục ký hợp đồng hoặc khách hàng không ký hợp đồng mua căn hộ), nếu việc thu tiền đặt cọc không nằm trong tiến độ thực hiện dự án hoặc tiến độ thu tiền trong hợp đồng thì DN chưa phải lập hóa đơn GTGT.
Đối với việc sử dụng hóa đơn: DN có thực hiện thu tiền mua căn hộ của khách theo tiến độ, nếu cùng một khách hàng nộp tiền cho một hợp đồng nhiều lần trong ngày thì DN xuất 01 hóa đơn tổng trong ngày theo quy định dựa trên điểm a Khoản 2 Điều 16 Thông tư 39/2014/TT-BTC.
Về thời điểm xác định thuế GTGT đối với xây dựng, lắp đặt, bao gồm cả đóng tàu là thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu tiền.
Cách xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế TNDN
Đối với hoạt động xây dựng, lắp đặt doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là giá trị công trình, giá trị hạng mục công trình hoặc giá trị khối lượng công trình xây dựng, lắp đặt nghiệm thu.
Nếu xây dựng, lắp đặt có bao thầu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị thì doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là số tiền từ hoạt động xây dựng, lắp đặt bao gồm cả giá trị nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị.
Trường hợp xây dựng, lắp đặt không bao thầu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị thì doanh thu là số tiền từ hoạt động xây dựng, lắp đặt không bao gồm giá trị nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị.
Vì sao cần phải cài đặt phần mềm HTKK mới nhất
Những điều kiện để ủy quyền quyết toán thuế TNCN
Nếu thu tiền trước theo tiến độ thì cách tính thuế TNDN tạm tính là:
Việc thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà để chuyển nhượng hoặc cho thuê có thu tiền ứng trước của khách hàng theo tiến độ ở mọi hình thức thì thời điểm xác định doanh thu tính thuế TNDN tạm nộp là thời điểm thu tiền của khách hàng.
– DN có thu tiền của khách hàng mà xác định được chi phí tương ứng với doanh thu đã ghi nhận thì DN kê khai nộp thuế TNDN theo doanh thu trừ chi phí.
– Còn nếu DN thu tiền của khách hàng mà chưa xác định được chi phí tương ứng với doanh thu thì DN kê khai tạm nộp thuế TNDN theo tỷ lệ 1% trên doanh thu thu được tiền và doanh thu này chưa phải tính vào doanh thu tính thuế TNDN trong năm.